05/07/2024 05/07/2024
976 0
Lễ kỷ niệm sẽ có sự tham dự của các đồng chí là Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Lãnh đạo Thường trực tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh Nghệ An, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Du lịch, hiệp hội du lịch Nghệ An, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch, cơ quan truyền thông báo chí.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp gồm nhiều nhóm ngành bộ phận, liên quan đến việc di chuyển của con người ra khỏi nơi cư trú với nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí,…Ngày 05/7/1994, Sở Du lịch Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 673 của UBND tỉnh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 30 năm xây dựng và phát triển, Sở Du lịch Nghệ An đã nỗ lực, sáng tạo vượt qua nhiều thử thách, khó khăn; từng bước đưa du lịch là ngành kinh tế quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước …
Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực còn nhiều thiếu thốn; nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở Du lịch Nghệ An đã luôn thể hiện quyết tâm bền bỉ, khát vọng cống hiến cho ngành, cho quê hương; trở thành sức mạnh nội lực để vượt qua những thử thách, khó khăn; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể du lịch Nghệ An thời kỳ 1996-2010 gắn với chương trình hành động quốc gia về du lịch, Sở Du lịch đã xây dựng Đề án “Bước đi phát triển du lịch Nghệ An 1999-2000” nhằm đề ra giải pháp cấp bách đưa du lịch Nghệ An tiến lên bước phát triển mới. Tháng 7 năm 2005, Đại hội Chi bộ Sở Du lịch Nghệ An nhiệm kỳ 2005-2008 đề ra Nghị quyết phát triển ngành du lịch về cải cách hành chính; tập trung vào 3 vấn đề chính: thẩm định xếp loại hạng các cơ sở lưu trú du lịch, cấp thẻ hướng dẫn viên để thông báo công khai tại công sở; từng bước hình thành quy trình xử lý công việc theo cơ chế một cửa. Năm 2005, lượng khách tăng 20,4%/năm; doanh thu du lịch tăng 26,5%/năm. Ngành Du lịch Nghệ An bước đầu khai thác các địa bàn có tiềm năng như Cửa Lò, TP Vinh, Nam Đàn... Hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng thương mại xuất nhập khẩu hỗ trợ cho lữ hành được đẩy mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển du lịch với các tỉnh trong nước và khu vực Lào, Thái Lan, Trung Quốc; bước đầu phát huy tốt hình thức liên doanh liên kết nối tour, tuyến với các trung tâm du lịch như: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh, tạo sự chuyển biến trong hoạt động lữ hảnh khai thác.
Giai đoạn 2000-2008, hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư cơ sở vật chất như cơ sở lưu trú phục vụ du lịch của ngành có bước chuyển biến tích cực. Ngoài việc tham mưu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành, ngành đã đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu điểm du lịch ở Nghệ An. Nhiều dự án đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như: Dự án đường Đền Cuông-Cửa Hiền, Dự án Khu du lịch Mũi Rồng (Nghi Thiết)... Số cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục có xu hướng phát triển với quy mô chất lượng đầu tư cao hơn.
Ngày 24/4/2008, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 14457, hợp nhất Sở Văn hóa thông tin, Sở Du lịch, Sở Thế dục thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020.
Để tạo điều kiện cho du lịch Nghệ An phát triển, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết thành lập Sở Du lịch Nghệ An; chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2017. Đây không phải đơn thuần là sự sắp xếp lại về tổ chức mà thể hiện tính cấp thiết trong bối cảnh Đảng và nhà nước quyết định đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngay sau khi thành lập, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư tại các khu điểm du lịch, các di tích lịch sử làng nghề; đầu tư phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng nhằm khai thác các tiềm năng du lịch văn hóa tại miền Tây Nghệ An; đồng thời, liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm du lịch để xây dựng các chuỗi du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch tiếp tục được hoàn thiện và đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Toàn tỉnh có trên 920 cơ sở lưu trú với hơn 22.000 phòng; trong đó, có 4 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao, 24 khách sạn 3 sao, hơn 22 khách sạn 1 - 2 sao. Sở Du lịch Nghệ An đã triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở. Nhiều khách sạn cũng tiếp tục tái đầu tư; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 66 đơn vị kinh doanh lữ hành và chi nhánh đặt tại Nghệ An, trong đó có 37 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và chi nhánh, 29 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Có 341 hướng dẫn viên, trong đó có 105 hướng dẫn viên quốc tế, 176 hướng dẫn viên nội địa, 60 hướng dẫn viên tại điểm.
Cùng với sự phát triển của tỉnh, 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Sở Du lịch đã tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh.
Trần Đức - Sở Du lịch Nghệ An