Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An
ĐỀN HỒNG SƠN
Tọa lạc giữa trung tâm thành phố Vinh, di tích đền Hồng Sơn được nhiều người biết đến như một điểm nhân quan trọng trong hành trình du lịch Nghệ An, không chỉ bởi quy mô, kiến trúc độc đáo mà còn bởi sự linh thiêng của vùng trọng trấn “địa linh nhân kiệt” xứ Nghệ.
Đền Hồng Sơn (còn có tên gọi khác là đền Nhà Ông hay Võ Miếu), được xây dựng năm 1839, đời Vua Minh Mạng thứ 19, để đăng đối với Văn Miếu Nghệ An. Nguyên xưa, đền là nơi thờ Quan Vân Trường, vị võ tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Sau chiến tranh chống Mỹ, do các ngôi đền, chùa... trong vùng bị hư hỏng, đây trở thành nơi hợp tự các vị Thần, Phật tạo nên sự phong phú, đa dạng theo quan niệm “Tam giáo đồng nguyên” của người Việt. Trong số các vị Thần, Phật được thờ tại đền hiện nay, tiêu biểu có Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Tam Tòa Thánh Mẫu,...
Di tích quay về hướng Đông Nam nhìn ra dòng sông Cồn Mộc, với 3 công trình chính là hạ điện, trung điện, thượng điện, cùng 2 tòa tả vu, hữu vu bố trí đăng đối, kết hợp với nhiều hạng mục công trình phụ trợ khác như trụ đăng, bình phong, lầu chuông, gác trống, nhà bia, hồ bán nguyệt, sân rồng,... tạo nên một quần thể di tích uy nghi và cổ kính. Tinh hoa của kiến trúc, cũng là điểm nhấn của khu di tích đó chính là 3 tòa hạ điện, trung điện và thượng điện, đây là nơi thể hiện nhiều nhất các chi tiết kiến trúc giàu tính thẩm mỹ, nghệ thuật, từ kiểu nhà chồng diêm, góc mái cong truyền thống đến các bờ nóc, bờ dải, đầu đao, đều được trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý. Mỗi tòa nhà lại mang đến cho du khách một cảm nhận khác biệt. Nhà hạ điện, từ hệ thống cột, kèo, kẻ bẩy, trần đều được sơn son thiếp vàng, trang trí long phượng theo kiểu kiến trúc cung đình. Nhà trung điện, thoạt nhìn như một tòa vọng lâu, là nơi trời đất giao hòa, là hiện thân cho mong ước đủ đầy của cư dân nông nghiệp. Tại trung điện còn có sự kết hợp giữa mỹ thuật vẽ tranh phong cách cung đình và chạm trổ trên các cấu kiện gỗ thể hiện qua hệ thống cửa võng, bẩy hiên, vì kèo với vô số những mảng chạm lộng, chạm điểm xuyết tứ linh, tứ quý tạo sự thanh cao, song lại thanh thoát nhẹ nhàng. Tòa thượng điện là cung cấm của thần linh, nơi chỉ được mở ra vào những dịp lễ trọng - người xưa không chú trọng về mặt kiến trúc mà chú trọng về chiều sâu của tâm linh. Bởi vậy, kiến trúc của nhà này khá đơn giản, chỉ chạm trổ một cách nhẹ nhàng nhưng lại là nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa thông qua hệ thống bài trí thờ tự của di tích đó là hệ thống tượng thờ, long ngai, bài vị và các hiện vật cổ.
Bên cạnh quy mô, kiến trúc uy nghi, đẹp mắt, tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý hiếm như: bia đá, khánh đá, chuông đồng, tượng thờ, đồ tế khí, sắc phong... Đó là những minh chứng sinh động thể hiện bề dày truyền thống của một vùng đất cũng như sự tồn tại của một địa chỉ văn hóa tâm linh của Nghệ An.
Hàng năm, tại đền Hồng Sơn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu là lễ giỗ Mẫu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, giỗ Đức Thánh Trần vào ngày 20 tháng 8 âm lịch...
Với những giá trị đó, đền Hồng Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 114/QĐ-VH, ngày 30/8/1984.