Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Xã Nghĩa Dũng, Huyện Tân Kỳ, Tỉnh Nghệ An
ĐÌNH LÀNG DỤNG – TÂN KỲ
Đình Làng Dụng thuộc xóm Đình, làng Dũng, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, cách TP Vinh - trung tâm kinh tế, chính trị tỉnh Nghệ An khoảng 100 km.
Đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, được xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ các vị thần có công lao hộ quốc giúp dân và được phục dựng từ năm Bảo Đại thứ 12 (nhà Nguyễn, 1937). Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đình Làng Dụng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu, vũ khí của cán bộ đảng viên và quân dân trong vùng; là nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là nơi để nhân dân trong vùng gửi gắm tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng làng bản.
Đình nằm giữa khu dân cư đông đúc, phía trước là dòng sông Con cùng bãi bồi phù sa màu mỡ. Xét về phong thủy, đình có thế đất “sơn hồi thủy tụ, đạp thủy gối sơn, quan quân hội tụ”, là thế kết phát lâu dài, bền vững
Đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng Dụng xưa (nay gồm 5 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và Nghĩa Phúc của huyện Tân Kỳ). Về sau, do một số biến động, đình làng Dụng trở thành nơi hợp tự, thờ phụng các vị phúc thần của nhân dân trong vùng. Thành hoàng làng Dụng được xác định là thần chủ Cao Sơn - Cao Các - hai vị phúc thần được thờ khá phổ biến trên địa bàn Nghệ An. Đình còn phối thờ các vị thần linh có công bảo vệ, che chở và giúp đỡ nhân dân như Bạch Y công chúa, Mộc thụ Tôn thần, Thái y Ngô Văn Ngạo và đình cũng thờ Đức Phật. Hàng năm, nhân dân có nhiều hoạt động tế lễ tại đình như Lễ Khai sơn (của phường săn), Lễ Kỳ yên (kỷ niệm dịp chiến thắng trận Động Đỏ của nhân dân và nghĩa quân Lam Sơn), Lễ Khai hạ (đầu mùa lúa, thường là tháng 4 âm lịch), lễ Trung nguyên (hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng), Lễ Thường tân (cúng cơm mới, thường vào cuối tháng 10 âm lịch).
Có thể nói, đình làng Dụng là nơi để người dân trong vùng gửi gắm niềm tin tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công ơn các vị thần cai quản bản làng và các bậc tiền nhân. Đây chính là nơi cố kết cộng đồng, thể hiện những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của đồng bào các dân tộc cư trú trong vùng.