Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Xã Bồi Sơn, Huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An
ĐIỂM DU LỊCH ĐỀN QUẢ SƠN
Đền Quả Sơn thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bạch Ngọc (nay là xã Bồi Sơn) huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đền tọa lạc dưới chân núi Quả Sơn nên có tên gọi là đền Quả Sơn. Đây là ngôi đền đẹp, quý và linh thiêng thứ 2 trong 4 ngôi đền thiêng của tỉnh Nghệ An xưa: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ, người đã có công trấn trị, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất nghèo trở thành một châu hùng mạnh dưới thời Lý. Năm 1039, Lý Nhật Quang được cử vào Nghệ An trông coi việc tô thuế và được cử làm Tri châu Nghệ An từ năm 1041. Là người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An, ông đã thực thi nhiều chủ trương, chính sách cải cách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giữ vững trật tự an ninh, thu phục nhân tâm... Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất “biên viễn”, “phên dậu” trở thành một trọng trấn, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại về sau. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang xứng đáng là một danh nhân lịch sử, đã có những cống hiến to lớn vào việc ổn định và phát triển đất nước.
Để tưởng nhớ vị Tri châu đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, sau khi ông mất, Nhân dân đã lập đền thờ trên vùng đất lịch sử, nơi Lý Nhật Quang từng chọn làm lỵ sở. Hiện nay, trên đất Nghệ Tĩnh có hơn 30 đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Các triều đại phong kiến đều có sắc phong Thần cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Đền Quả Sơn được xây dựng từ thời Lý, lúc đầu quy mô còn đơn sơ, nhiều lần được tu bổ, tôn tạo dưới các triều đại phong kiến. Đặc biệt dưới triều Nguyễn, đền được xây dựng với quy mô lớn, gồm các công trình: sân vườn, tam quan, nhà canh, nhà hóa, lầu ca vũ, nhà tả vu, hữu vu, nhà hạ điện, trung điện và thượng điện, bia đá... Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do thời gian và chiến tranh, đền Quả Sơn không còn lưu giữ được quy mô và tầm vóc như xưa nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ, linh thiêng.
Hiện nay đền được khôi phục lại trên nền đất cũ, gồm có: Tam tòa hạ điện, trung điện và thượng điện nối đuôi nhau theo kiểu kiến trúc hình chữ “Công” thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nhà tả vu thờ Đông Chinh Vương, hữu vu thờ Dực Thánh Vương (2 danh tướng cùng cha khác mẹ của Lý Nhật Quang, cùng phò tá cho ông ở Nghệ An). Ngoài ra còn có phần mộ lưu giữ hài cốt của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang nằm bên trái đền, có nhà bia, có nhà ngựa, có cổng tam quan... Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết trong long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai được chạm khắc sinh động, tinh xảo.
Đền Quả Sơn hiện còn lưu giữ nhiều đồ tế khí chạm khắc tinh vi, đạt trình độ điêu khắc cao, do vua chúa nhiều triều đại ban tặng hoặc Nhân dân tiến cúng cùng với hàng trăm hiện vật quý bằng đồng, đá, sứ, gỗ, bạc, ngà có giá trị lịch sử nghệ thuật cao như: hương án, long ngai, đại tự, câu đối, kiếm thờ bằng bạc... Đặc biệt ở đền còn lưu giữ di tượng của Lý Nhật Quang to bằng người thật, đang ngồi trên ngai thờ, 2 tay bắt quyết để ngửa trên đầu gối, dáng ngồi khoan thai, khuôn mặt hiền từ, tượng làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, tượng được thờ ở gian giữa trong cung cấm, chỉ đến ngày lễ trọng mọi người mới được chiêm bái Ngài.
Đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại ra Quyết định số 05/QĐ-BVHTT ngày 12/02/1998.