ĐỀN CHOỌNG
Đền Choọng là ngôi đền linh thiêng tọa lạc trên núi Pu Đên thuộc trung tâm Mường Choọng xưa, nay là xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, ở vị trí đắc địa, có Nậm Choọng ôm ấp, có dãy Phá Côn che chắn, khí mạch anh linh, phong tục thuần phác, đời sống tinh thần vô cùng phong phú.
Có hai luồng ý kiến khác nhau về nhân vật được thờ chính tại đền. Một luồng ý kiến cho rằng đền Choọng là một phiên bản của đền Chín Gian ở Quế Phong, thờ Tạo Mường, ngoài ra còn phối thờ Nang Phốm Hóm (Nàng Tóc Thơm). Tuy nhiên, luồng ý kiến này không được sự đồng thuận của Nhân dân Mường Choọng. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, đền Choọng được xây dựng để thờ Nang Phốm Hóm (tức Nàng Tóc Thơm) - người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Luồng ý kiến này được đại đa số Nhân dân đồng tình.
Nang Phốm Hóm (Nàng Tóc Thơm) - người con gái dân tộc Thái hội tụ khí thiêng đất trời, ngay từ lúc sinh ra nàng đã thông minh, nhanh nhẹn hơn người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Nàng đã đến từng nhà, hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ và đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thảo nuôi quân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427). Một buổi chiều nọ, trong nỗi nhớ mong tướng quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu, nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu. Thương nhớ nàng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng đã lập đền thờ nàng ngay trên núi Pu Đên. Trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh.
Đền Choọng xưa có khuôn viên rộng khoảng 10ha, gồm: Nhà trên (thượng điện), nhà dưới (hạ điện) được lợp bằng tranh cọ, xung quanh thưng ván chắc, am thờ Pa Thai (mẹ của Nang Phốm Hóm), miếu sơn thần, nghi môn, đường lên đền, sân vườn, và các công trình phụ trợ với nhiều cây cổ thụ xung quanh.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đền Choọng xưa không còn nữa, nhưng dấu ấn văn hóa tâm linh, dấu ấn một thời kỳ lịch sử thì vẫn còn đây. Đền Choọng luôn là một phần không thể tách rời trong tổng hòa các yếu tố văn hóa - lịch sử, định hình nên nét bản sắc riêng của mảnh đất và con người Mường Choọng. Để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc nơi đây, năm 2013, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Quỳ Hợp đã quyết định tiến hành tôn tạo, phục dựng lại đền Choọng ngay trên nền cũ với diện tích 41.675,9m2.
Đường lên đền có 111 bậc cấp, hai bên đường dựng đôi rồng đá vừa làm lan can, vừa tăng thêm vẻ uy nghiêm cho ngôi đền. Điều đặc biệt là ngay bên trái đền là khuôn viên trưng bày, lưu giữ nguyên bản di tích của đền Choọng xưa. Đó là những tảng đá cổ làm đế kê cột đền. Đền chính được thiết kế uy nghi, bề thế gồm một tòa ba gian hai hồi, bốn vì với ba cung thờ: Cung chính giữa là nơi bài trí thờ Nang Phốm Hóm và Hạt lúa cổ. Tượng Nang Phốm Hóm được đúc bằng đồng mang đậm bản sắc văn hóa, rất thần thái. Tượng được tạc theo mẫu một người phụ nữ dân tộc Thái với trang phục truyền thống, đầu đội khăn piêu, mặc áo cóm đính hai hàng khuy ở giữa, váy khắc các hình hoa văn truyền thống của người Thái ở Mường Choọng, nét mặt phúc hậu, ánh mắt sáng long lanh đang dõi về phía trước, hai tay úp lên nhau để trên đùi, tư thế khoan thai, thoải mái, đã phần nào lột tả được vẻ đẹp công dung ngôn hạnh của người con gái dân tộc Thái. Hạt lúa cổ được làm bằng gỗ mít. Việc thờ hạt lúa ở gian chính giữa đền chính thể hiện ước vọng của cư dân nông nghiệp về một cuộc sống sung túc lúa gạo đầy nhà; đồng thời như khơi gợi lại sự tích xưa Nang Phốm Hóm có công đi quyên góp lương thảo nuôi quân đánh giặc. Cung bên trái (ngoài vào) bài trí thờ Pa Thai. Cung bên phải (ngoài vào) là nơi thờ bố của Nang Phốm Hóm. Ngoài ra, đền còn có các công trình: miếu sơn thần, nghi môn, sân lễ hội, hồ bán nguyệt và nhà quản lý,... Hiện đền đang lưu giữ một số hiện vật cổ, quý hiếm và nhiều hiện vật mới được cung tiến.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền Choọng đã trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Mường Choọng xưa và Châu Lý nay, thể hiện tấm lòng tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, và cầu mong sự che chở của thần linh. Đặc biệt, đây còn là di tích thể hiện sự giao thoa văn hóa Kinh - Thái, mối gắn kết tình cảm quân dân, tình cảm giữa hậu phương và tiền tuyến, tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đền được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 3051/QĐ.UBND, ngày 16 tháng 7 năm 2015.