Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Xã Xuân Thành, Huyện Yên Thành, Tỉnh Nghệ An
ĐỀN GÁM VÀ CHÙA GÁM – YÊN THÀNH
Đền - chùa Gám nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám – xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đây là một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo độc đáo. Đền Gám được xây dựng từ thời nhà Trần, để thờ những vị thần có công bảo quốc hộ dân, đem lại mưa thuận gió hòa như Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương. Chùa Gám thuộc thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Chùa Gám, tên chữ là Chí Linh tự, nghĩa là chùa Chí Linh, một ngôi cổ tự rất đỗi linh thiêng trên mảnh đất Yên xứ Nghệ này. Chùa hình thành ở giai đoạn nào, xây dựng ra sao, quy mô như thế nào, hiện chưa có một nguồn sử liệu ghi rõ. Chỉ biết, trong lịch sử địa chí Nghệ An nói chung, Yên Thành nói riêng, thời đại phong kiến nào cũng có nhắc đến tên chùa.
Tên chùa Gám, vì chùa tọa lạc tại Làng Kẻ Gám xưa nên lấy tên làng đặt tên cho chùa. Cũng có truyền thuyết rằng: Yên Thành là huyện chuyên độc canh cây lúa, nên điều kiện canh tác của người dân phần đa lúc đó còn lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây Gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả Gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn. Để nhớ ơn làng, ơn núi có cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt. Người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Lại có ý kiến cho rằng: Để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đổi sang Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó.
Vào những năm 40 - 41 của thế kỷ trước, theo trào lưu dân trí thấp kém, chùa đã bị phá hủy, một phần để tiêu thổ cho kháng chiến, một phần để phục vụ cho những công trình phúc lợi bấy giờ như: Trạm y tế, trường học, hợp tác xã, trụ sở ủy ban…và từ đó, chùa dần đi vào dĩ vãng.
Nhưng tâm tưởng và ký ức của những bậc cao niên trong làng, hình ảnh của ngôi chùa Gám linh thiêng mãi không thể xóa mờ. Do đó, khi cuộc sống nhân dân có phần đỡ cực, ý thức về xây dựng đời sống tâm linh được khai thông, chùa lại bắt đầu được chú ý và quan tâm đến. Từ trong sâu thẳm đáy lòng bày ra hiện thực, thế là dáng dấp chùa xưa cứ thế mà phục hồi. Không ai bảo ai, từ già trẻ lớn bé, nam nữ thanh niên đều có lòng hướng Phật. Nhân duyên đầy đủ, “chùa có sư, như nhà có nóc”, nhân dân Phật tử của chùa lại vui mừng được đón sư về trụ trì hướng đạo cho mọi người. Đại đức Thích Trúc Thông Kiên, là đệ tử của Hoà thượng Thích Thanh Từ, người đã khôi phục Thiền phái Trúc Lâm đương đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được Ban quản trị thiền phái Trúc Lâm cử ra làm phật sự theo lời thỉnh cầu của nhân dân phật tử huyên Yên Thành. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp ủy đảng chính quyền huyện, xã và sự mến mộ tin yêu của phật tử khắp nơi trong toàn huyện, từ những khó khăn bước đầu về làm việc Phật, với những cực khổ không thể diễn tả ít lời mà thấu, cho đến những thành quả hôm nay, thì có ai cũng tự hiểu, nếu Thầy không phải bậc chân tu thì lẽ nào đạt được.