Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Xã Nghi Xuân, Huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An
NHÀ THỜ VÀ MỘ TIẾN SĨ PHẠM NGUYỄN DU – NGHI LỘC
Phạm Nguyễn Du sinh năm 1739, có tên gọi khác là Hiếu Đức, Thạch Động, người làng Đặng Điền, tổng Đặng Xá, huyện Châu Phúc, nay là xóm Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông đậu Giải nguyên năm 1773, đậu Hội nguyên (Hoàng giáp) năm 1779, dưới triều vua Lê Hiển Tông.
Phạm Nguyễn Du là một vị quan thanh liêm, trung thực, có nhiều cống hiến cho đất nước dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Phạm Nguyễn Du còn là một nhà văn nổi tiếng ở thế kỷ 18, với nhiều tác phẩm có giá trị như: Nam hành ký đắc tập, Đoạn trường lục, Thạch động tiên sinh thi tập, Độc sử si tưởng,.. để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Phạm Nguyễn Du mất năm 1786, tại quê nhà. Theo di huấn của ông, Nhân dân và con cháu đã đem thi hài an táng tại mảnh vườn nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhà thờ cũng được xây dựng cạnh đó 300 m, tựa lưng vào khối núi Trượng Nhân Phong (còn gọi là núi Lập Thạch).
Nhà thờ gồm 2 tòa: Bái đường và Hậu đường. Phía trước có đắp chữ nổi “Phạm Đại Tôn”. Ngay hiên Bái đường dựng một tấm bia đá với đầu đề “Phạm gia thạch ký”. Nội dung bia là tóm tắt tiểu sử gia đình và thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du. Tại Hậu đường còn lưu giữ nhiều tư liệu quý, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc đời của một nhà nho thanh bạch, có nhiều đóng góp to lớn cho dân, cho nước và những phong tục, luật lệ của đất nước, của địa phương hay của dòng họ trong lịch sử phong kiến đương thời.
Khu mộ Phạm Nguyễn Du được xây dựng trên một mảnh đất bằng phẳng 28m2, cách Nhà thờ 300 m về phía Đông Nam. Toàn bộ khu mộ được xây dựng bằng vữa tam hợp, được con cháu trùng tu nhiều lần. Hiện nay, cả Mộ và Nhà thờ đều được chính quyền các cấp và con cháu dòng họ quan tâm, đầu tư khang trang.
Nhà thờ và mộ Tiến sỹ Phạm Nguyễn Du là nơi lưu giữ hài cốt, nơi tưởng niệm, tri ân vị danh thần có nhiều đóng góp cho công cuộc trung hưng. Di tích cổ kính, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật. Bởi vậy, ngày 24/01/1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 95- 1998- QĐ/ BVHTT công nhận là Di tích lịch sử -văn hoá cấp quốc gia.