Camera tour
Price: Free
Time to visit a place: 120 phút
Open Time: 07:00 - Close Time: 18:00
Address: Xã Hưng Khánh, Huyện Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An
ĐỀN VUA LÊ
Đền Vua Lê được xây dựng tại vùng Triều Khẩu, gần chân núi Lam Thành, nơi nghĩa quân Lam Sơn xây dựng căn cứ chống giặc Minh xâm lược, thuộc địa phận làng Lộc Điền, tổng Văn Viên, nay là xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Di tích là nơi Nhân dân tri ân, tưởng niệm công lao to lớn của Vua Lê Thái Tổ và triều đại nhà Hậu Lê trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Từ Lam Sơn, cuối năm 1424, Lê Lợi kéo quân vào đất Nghệ An làm chỗ đứng chân. Từ đây, lực lượng nghĩa quân phát triển mạnh mẽ, liên tiếp giành nhiều thắng lợi, đặc biệt là trong cuộc chiến đánh thành Nghệ An sau 2 năm xây dựng lực lượng tạo đà để nghĩa quân tiến đánh thành Đông Quan, giành thắng lợi hoàn toàn, đuổi quân Minh khỏi đất nước.
Sau 10 năm nếm mật nằm gai, đến năm 1428, đất nước đã sạch bóng xâm lược, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại Hậu Lê, một triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thái Tổ trị vì được 6 năm. Sau khi Vua Lê Thái Tổ mất, để ghi nhớ công lao của người có công lập nên triều đại Hậu Lê, chính quyền và Nhân dân đã xây dựng đền thờ Vua Lê tại vùng Triều Khẩu xưa.
Trải qua thiên biến của lịch sử đề Vua Lê được phối thờ thêm hai nhân vật Lê Khôi và Trịnh Ý Trải. Chiêu Trưng vương Lê Khôi tên chữ là Lê Khôi, thụy là Vũ Mục, người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa. Ông là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột, từng mang cung theo Lê Lợi đánh giặc từ ngày đầu tại quê nhà Lam Sơn và lập được nhiều công trạng. Khi Vua Lê Nhân Tông lên ngôi, ông được giao chức Nhập nội Thiếu úy, trông coi vùng đất Nghệ An. Thời kỳ ở Nghệ An, ông đã ra sức cho người khai hoang dải đất phù sa của sông Lam dưới chân núi Thành, lập nên nhiều làng như Quảng Dụ, Nghĩa Liệt, Triều Khẩu... Với những công trạng đóng góp cho đất nước, sau khi mất, ông được phong chức Nhập nội Tư không, Bình chương sự, được ban tên thụy là Vũ Mục Công, được dựng miếu và bia ngay tại nơi ông mất dưới chân núi Long Ngâm. Sau miếu được dời về xã Triều Khẩu, nơi ông đóng quân, Nhân dân thường gọi là miếu Vũ Mục. Năm 1954, lũ lớn làm đổ miếu nên Nhân dân rước tượng và đồ tế khí về hợp tự tại đền Vua Lê.
Đền Vua Lê còn là nơi thờ Trịnh Ý Nguyên Phi, quê ở xã Quần Lại, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa, là vợ của Lê Lợi. Bà từng lặn lội theo chồng từ khi mới khởi sự ở Thanh Hóa đến khi vào đất Nghệ An, hi sinh cả tính mạng để vì sự nghiệp lớn của chồng. Sau khi bà mất, Nhân dân vùng Triều Khẩu lập miếu thờ phụng. Trong kháng chiến chống Mỹ, miếu bị bom tàn phá, Nhân dân rước long ngai, bài vị của bà về hợp tự tại đền Vua Lê.
Đền Vua Lê được xây dựng ở thế kỷ XV, trên khu đất cao ráo, thoáng, rộng khoảng 1ha với quy mô khá lớn gồm tam quan, hạ điện, trung điện, thượng điện và hai nhà tả vu, hữu vu. Do thiên tai, lũ lụt, các hạng mục hạ điện, trung điện, tả vu, hữu vu bị cuốn trôi và hư hỏng, chỉ còn lại thượng điện. Do yêu cầu đắp đê ngăn lũ nên tam quan xưa của đền cũng đã bị lấp, được Nhân dân xây dựng mới năm 1994.
Hiện nay, đền Vua Lê nằm sát chân đê, còn lưu giữ được thượng điện (hậu cung) 3 gian có diện tích 40m, là hạng mục di tích được phục dựng từ các nguyên vật liệu cũ của đền sau khi bị trận lũ năm 1978 cuốn trôi và làm hư hỏng. Sau này, chính quyền và Nhân dân đóng góp, xây dựng thêm bái đường và nghi môn, phục vụ việc tế lễ.
Hàng năm, vào ngày 22/8 âm lịch, Nhân dân trong vùng tập trung về đền làm lễ tưởng niệm ngày Vua Lê Thái Tổ băng hà. Ngày này trở thành lễ hội truyền thống tại di tích.
Với những giá trị nổi bật về lịch sử, đền Vua Lê được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 423/QĐ-VH, ngày 20/02/1997.