Lễ Cầu ngư ở Quỳnh Phương
Lễ Cầu ngư được người dân Quỳnh Phương duy trì từ bao đời nay vào dịp đầu xuân với mong muốn một năm đi biển đánh bắt cá mưa thuận gió hòa, ngư trường đắc lợi, tôm cá đầy khoang, ngư dân an lành, mạnh khỏe. Lễ là một trong những hoạt động gắn liền với lễ hội đền Cờn, diễn ra từ ngày 20-21 tháng Giêng hàng năm.
Đền Cờn ở là ngôi đền có kiến trúc cổ kính, với nhiều truyền thuyết, gắn với lịch sử của đất nước. Đền hướng mặt về dòng sông Mai Giang, núi Voi, núi Xước, sau lưng là biển xanh, cát trắng, được xây dựng từ thế kỷ XIII dưới thời nhà Trần và phát triển quy mô lớn ở thời Lê, sau đó được trùng tu nhiều lần dưới triều Nguyễn. Đây là ngôi đền thờ tứ vị Thánh nương linh thiêng, đã có công giúp nước, an dân.
Sáng 21 tháng Giêng, Nhân dân Quỳnh Phương tập trung tại đền Cờn trong (dân địa phương còn gọi là đền Cờn chính), làm lễ dâng hương, sau đó, đoàn bắt đầu diễu hành ra bãi biển giáp ranh giữa hai xã Quỳnh Liên và Quỳnh Phương tiến hành làm lễ Cầu ngư. Tại đây, tiếng chiêng, trống hòa cùng tiếng reo hò của những thanh niên khiêng kiệu chạy ra phía biển và tung kiệu lên cao từng đợt, tạo nên không khí tươi vui, sôi động. Khi đoàn diễu hành về phía bãi biển sát với đền Cờn ngoài, đội tế lễ sẽ tiến hành các nghi lễ cầu ngư mong cho mưa thuận gió hòa, ngư trường đắc lợi, an toàn, may mắn... Sau khi nghi lễ kết thúc, các thanh niên trai tráng tiến hành cướp lộc với mong muốn sẽ phát lộc, phát tài trong năm mới.
Lễ Cầu ngư ở Quỳnh Phương là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc, góp phần tăng thêm giá trị văn hóa phi vật thể cho lễ hội Đền Cờn – lễ hội đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là yếu tố quan trọng, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách trong cả nước khi về với đền Cờn vào dịp đầu xuân năm mới.